Hoạt động lừa đảo là có tổ chức, sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi, đánh đúng vào những điểm yếu nhất trong hệ thống công chứng hiện nay.
Gần đây, nhiều vụ lừa đảo tinh vi, qua mặt công chứng viên (CCV), thậm chí táo tợn hơn là nhằm thẳng vào CCV và các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) xảy ra ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, những nơi được cho là trình độ nghiệp vụ CCV vững vàng nhất trong cả nước.Từ kết quả điều tra của cơ quan công an và tình tiết các vụ việc cho thấy hoạt động lừa đảo là có tổ chức, sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi, đánh đúng vào những điểm yếu nhất trong hệ thống công chứng hiện nay.
Công chứng viên “tay không bắt giặc”?
Luật công chứng trao cho CCV nhiệm vụ “chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản”; chứng nhận “tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt” (Điều 2 Luật Công chứng 2014). Trong hệ thống tư pháp của các quốc gia, CCV được coi như những “Thẩm phán phòng ngừa”, là hàng rào quan trọng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch dân sự.
Kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ đó được thể hiện qua giá trị pháp lý của văn bản công chứng, cụ thể tại Điều 5 Luật công chứng quy định: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan”; “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh”; “Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, pháp luật quy định những điều kiện khắt khe về đạo đức, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của CCV. Sau khi có bằng cử nhân Luật, một người cần thêm từ 5 đến 7 năm học tập và tích lũy kinh nghiệm mới đủ tiêu chuẩn trở thành CCV. Thế nhưng để hoạt động công chứng đạt kết quả thì CCV và tổ chức hành nghề cần phải có những công cụ để thực thi nhiệm vụ của mình chứ không thể chỉ dựa vào đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn pháp lý và kinh nghiệm.
Xem lại các giáo trình đào tạo nghề công chứng; tham gia các buổi bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng liên quan đến phân biệt hồ sơ, giấy tờ thật, giả thì thấy rằng những kiến thức mà CCV được trang bị, đồng thời được áp dụng phổ biến nhất vẫn chỉ là quan sát bằng cảm quan và suy luận logic. Những kỹ thuật nhận diện này đã lạc hậu nhiều năm so với kỹ thuật và công nghệ làm giả hồ sơ, giấy tờ. Rõ ràng, để có thể phân biệt được hồ sơ, giấy tờ thật hay giả một cách hiệu quả hơn thì CCV cần phải có nhiều công cụ hỗ trợ, như các mẫu tàng thư để so sánh, các cơ sở dữ liệu, thông tin để đối chiếu kết hợp với kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề.
Ví dụ, để xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả, thông tin có chính xác hay không thì ngoài việc quan sát, CCV cần tiếp cận được với thông tin từ cơ quan cấp giấy chứng nhận; để xác định nhân thân của một người, ngoài việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, CCV cần đối chiếu được thông tin đó với cơ sở dữ liệu công dân; để xác định một bộ hợp đồng mua bán nhà chung cư là thật hay giả, CCV cần phải kiểm tra được thông tin từ chủ đầu tư.
Tuy nhiên, không có bất kỳ quy định nào của pháp luật cho phép CCV có được “đặc quyền” hơn công dân bình thường để có thể tiếp cận với những dữ liệu nêu trên, mặc dù CCV là một chức danh tư pháp và việc tiếp cận thông tin là để bảo đảm cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của CCV, bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân, cho xã hội, trong đó có cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Công nghệ làm giả giấy tờ hiện nay đã đạt đến mức tinh xảo, các loại mẫu khó làm giả nhất như tiền hay tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Các tài liệu thông thường như con dấu, chữ ký vào bản in trên giấy trắng có thể bị làm giả và dễ dàng qua mặt các CCV lành nghề nhất. Ngay cả Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, với các mẫu so sánh và thiết bị hiện đại thì việc phát hiện tài liệu giả cũng khó khăn và mất nhiều thời gian. Vậy mà theo quy định của Luật công chứng, chỉ với thời hạn 2 ngày, còn trên thực tế thông thường là chỉ vài phút, CCV phải xác định được một hoặc nhiều tài liệu là thật hay giả để thực hiện việc công chứng cho công dân – như vậy thì không thể bảo đảm rằng CCV phân biệt được các tài liệu thật hay giả với độ chính xác tuyệt đối. Rất dễ nhận thấy rằng, trước vấn nạn giấy tờ giả thì các CCV đang phải làm nhiệm vụ trong tình trạng “tay không bắt giặc”.
Bất cập trong quy định về trách nhiệm của CCV và TCHNCC
Luật CC quy định rõ trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, giấy tờ công chứng thuộc về người yêu cầu công chứng (Điều 47) và nhấn mạnh bằng một điều cấm, kèm theo các hình thức chế tài áp dụng cho người yêu cầu công chứng liên quan đến việc cung cấp hồ sơ công chứng, giấy tờ giả.
Thuật ngữ “người yêu cầu công chứng” hiện nay được hiểu bao gồm tất cả các bên tham gia giao dịch dân sự mà CCV sẽ công chứng. Nếu cho rằng các chủ thể trong mối quan hệ cung cấp dịch vụ công chứng chỉ bao gồm bên cung cấp dịch vụ là TCHNCC và bên yêu cầu dịch vụ là người yêu cầu công chứng thì người yêu cầu công chứng có thể bao gồm cả bên gây thiệt hại lẫn bên bị thiệt hại.
Do đó, có ý kiến cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC phải được loại trừ nếu CCV tuân thủ đầy đủ quy trình công chứng mà vẫn không phát hiện ra giấy tờ bị làm giả, bởi lỗi lúc này thuộc hoàn toàn về người yêu cầu công chứng. Mặt khác, theo quy định tại Điều 38 Luật công chứng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC chỉ được đặt ra khi có lỗi của CCV hoặc nhân viên của TCHNCC, nếu việc làm giả giấy tờ là tinh vi, nằm ngoài khả năng nhận biết của CCV thì không thể cho rằng CCV có lỗi.
Trên thực tế, vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại của CCV đang được hiểu và thực hiện theo một cách khác, rất bất lợi cho CCV và TCHNCC. Một số bài viết, phóng sự trên báo chí, truyền hình, các luật sư đưa ra quan điểm làm cho người xem hiểu rằng trong mọi trường hợp nếu CCV không phát hiện được giấy tờ, hồ sơ giả dẫn đến thiệt hại cho khách hàng thì TCHNCC phải có trách nhiệm bồi thường.
Một số bản án đã được xét xử thể hiện rằng CCV phải chịu một phần trách nhiệm khi bị giấy tờ giả qua mặt. Cơ sở pháp lý của quan điểm này là Điều 584 Bộ luật Dân sự, trong đó quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”, nghĩa là chỉ cần có hành vi gây thiệt hại và có thiệt hại thì đã phát sinh trách nhiệm bồi thường chứ chưa cần xét đến yếu tố lỗi (trách nhiệm chỉ được loại trừ khi lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại).
Cùng với đó, tại Điều 364 Bộ Luật Dân sự nêu rõ “Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”. Quy định này đang tạo ra cách hiểu rằng hành vi công chứng của CCV thỏa mãn các điều kiện cấu thành nên lỗi vô ý.
Cách hiểu này gây ra nỗi hoang mang và bất an cho các CCV, bởi nếu hiểu và thực hiện theo như vậy thì cứ đặt bút ký chứng nhận bất kỳ một giao dịch nào cũng đồng nghĩa với việc CCV cấu thành lỗi vô ý và mặc nhiên phát sinh trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra dù CCV có tuân thủ hay không tuân thủ quy định của Luật công chứng. Đây là điều hết sức vô lý, vì đòi hỏi về mức độ bảo đảm trách nhiệm của CCV vượt quá khả năng kiểm soát của họ cho dù họ tuân thủ đúng luật.
Rủi ro khó tránh đối với CCV và cơ hội cho các đối tượng lừa đảo
Các đối tượng lừa đảo đã khai thác triệt để hai điểm yếu trên của hệ thống công chứng và có hàng loạt vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn trong thời gian vừa qua cho các TCHNCC. Sau khi làm giả giấy tờ một cách tinh vi, qua mặt được hàng loạt CCV, kẻ lừa đảo bỏ trốn, người bị thiệt hại sử dụng các biện pháp gây sức ép đòi bồi thường đối với CCV và TCHNCC, trong đó có cả việc sử các băng nhóm xã hội đen gây rối.
Nghiêm trọng hơn, có trường hợp kẻ lừa đảo đóng giả cả bên mua lẫn bên bán, sử dụng giấy tờ nhà đất giả giao dịch, qua mặt CCV và cả Văn phòng đăng ký đất đai. Một số TCHNCC đã phải bồi thường bởi họ lo ngại rằng khi bị khởi kiện thì vẫn phải bồi thường mà công việc, uy tín và chi phí còn lớn hơn. CCV mặc dù biết là rủi ro, nhưng họ vẫn phải làm công việc của mình mà không có cách khác để lựa chọn.
CCV gặp rủi ro với vấn nạn giấy tờ giả cũng đồng nghĩa với việc an toàn pháp lý của giao dịch bị đe dọa, quyền lợi của người yêu cầu công chứng và cả các cơ quan quản lý nhà nước có thể bị ảnh hưởng. Có nhiều cách để giảm bớt rủi ro từ những giao dịch liên quan đến giấy tờ giả, và cần được cân nhắc áp dụng càng sớm càng tốt.
Thứ nhất, cần trao cho CCV những công cụ làm việc, đó là quyền tiếp cận thông tin ở mức độ hợp lý đối với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước như cơ sở dữ liệu về đăng ký đất đai, nhà ở, cơ sở dữ liệu công dân, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu về đăng ký phương tiện cơ giới. Làm được điều này sẽ chấm dứt được gần như hoàn toàn vấn nạn làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và giấy tờ về nhân thân, những loại giấy tờ phổ biến nhất và hay bị làm giả nhất.
Thứ hai, cần quy định rõ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TCHNCC cũng như trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch công chứng cho phù hợp với thực tế, tạo ra sự cân bằng giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của CCV. CCV không thể chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ bất khả thi.
Thứ ba, cần xác định rõ rằng, hoạt động công chứng giúp cho giao dịch dân sự được xem xét và kiểm duyệt tính chính xác, hợp pháp bởi những người có chuyên môn và kinh nghiệm, giúp cho nó an toàn hơn, nhưng không có nghĩa là an toàn đến mức tuyệt đối. Để bảo đảm an toàn, người yêu cầu công chứng cũng cần phải có trách nhiệm nhất định với giao dịch của mình chứ không nên phó mặc toàn bộ cho TCHNCC.
Nguồn: https://daoduyan.com/2018/10/giay-to-gia-qua-mat-cong-chung-vien-trach-nhiem-thuoc-ve-ai/