Ở Việt Nam, qua các giai đoạn lịch sử thì định nghĩa về công chứng cũng thay đổi. Trong khoảng 30 năm trở lại đây đã có đến 4, 5 định nghĩa khác nhau được ghi nhận trong các văn bản luật và dưới luật.
Theo Từ điển Luật học của Mỹ, công chứng (Notarial) là hoạt động của công chứng viên… Công chứng viên, theo tiếng Latinh là “Notarius”. “Notarius” trong luật Anh cổ là một người sao chép hay trích lục các loại văn bản, giấy tờ khác hoặc người làm chứng.
Trong luật La Mã, công chứng viên là người ghi chép, thư ký, tốc ký, người ghi chép các hoạt động trong nghị viện của tòa án, hoặc ghi chép theo lời người khác đọc, người soạn các di chúc và giấy chuyển nhượng sở hữu. Theo cách giải thích trên, xét về nguồn gốc, công chứng là nghề sớm xuất hiện trong lịch sử loài người (từ thời La Mã cổ đại), với vai trò ghi chép, soạn thảo văn bản và làm chứng.
Trên thế giới tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về công chứng. Định nghĩa về công chứng ở mỗi quốc gia, mỗi hệ thống pháp luật có phạm vi bao hàm không giống nhau. Tuy nhiên, có thể nhận thấy hai đặc điểm (nội dung) cơ bản trong khái niệm về công chứng, đó là: “Làm chứng” và “ghi chép lại bằng văn bản”.[1]
Ở Việt Nam, qua các giai đoạn lịch sử thì định nghĩa về công chứng cũng thay đổi. Trong khoảng 30 năm trở lại đây đã có đến 4, 5 định nghĩa khác nhau được ghi nhận trong các văn bản luật và dưới luật.
Tại Việt Nam, công chứng được định nghĩa nhiều lần trong các văn bản pháp lý khác nhau. Chỉ tính từ năm 1991 trở lại đây, đã có tới 5 định nghĩa được ghi nhận:
Điều 1 Nghị định 45/1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định:
“Công chứng Nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là các tổ chức), góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”
Nghị định 31/1996 của Chính phủ quy định:
“Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là tổ chức), góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.”
Nghị định 75/2000 của Chính phủ quy định:
“Điều 2. Công chứng, chứng thực
Công chứng là việc Phòng Công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) và thực hiện các việc khác theo quy định của Nghị định này. Chứng thực là việc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của Nghị định này.”
Luật Công chứng 2006 quy định:
“Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Luật Công chứng 2014 quy định:
“Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Các định nghĩa trong các văn bản trên đều có những điểm chung, đó là:
- Công chứng là hoạt động mang quyền lực nhà nước;
- Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch,các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật;
- Các hoạt động công chứng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các tổ chức khác;
- Các loại giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ.[2]
Điểm khác nhau của những định nghĩa này phản ánh quá trình thay đổi và phát triển của hoạt động công chứng ở Việt Nam và tập trung vào các yếu tố sau:
- Cơ quan thực hiện hoạt động công chứng (Cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan bổ trợ tư pháp, đơn vị sự nghiệp công lập hay TCHNCC tư nhân?);
- Đối tượng, phạm vi hoạt động công chứng (Chỉ bao gồm nội dung xác nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, hợp đồng hay bao gồm cả việc chứng thực bản sao, chữ ký, bản dịch?).
Có thể nhận thấy rằng những định nghĩa về công chứng được ghi nhận trong các văn bản luật thường mô tả và ghi nhận hiện tượng, hành vi cụ thể chứ không mang tính khái quát hóa hay đi vào bản chất của hoạt động này. Điều này cũng là dễ hiểu bởi việc quy định như vậy là nhằm thu hẹp nội hàm của khải niệm và bảo đảm cho hoạt động quản lý của nhà nước có hiệu quả hơn, việc áp dụng pháp luật được cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, việc hiểu về bản chất của hoạt động công chứng đối với CCV là rất cần thiết, bởi vì nếu không hiểu về bản chất của hoạt động này thì CCV rất dễ bị đi lạc ra ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ và vai trò của họ; hoạt động công chứng cũng dễ bị đi chệch hướng.
Tóm lại, khi hành nghề, chúng ta chỉ cần hiểu một cách khái quát, ngắn gọn: “Công chứng là hoạt động tạo lập và lưu giữ chứng cứ được thực hiện bởi Công chứng viên”. Tất cả các định nghĩa trong các văn bản sẽ còn thay đổi mỗi lần sửa luật; mỗi quốc gia sẽ còn định nghĩa lại theo ý chí của mình, nhưng đặc điểm cốt lõi của công chứng thì sẽ không thay đổi.
[1] Liên minh Công chứng quốc tế, Các nguyên tắc cơ bản của hệ thống công chứng La Tinh – Tài liệu được Đại hội đồng các tổ chức công chứng thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế thông qua ngày 8 tháng 11 năm 2005 tại Rome, Italia.
[2] Viện Nghiên cứu Lập pháp (2013), Chuyên đề nghiên cứu: Kinh nghiệm một số nước trên thế giới về công chứng giao dịch BĐS – 10/2013.
Nguồn: https://daoduyan.com/2020/04/cong-chung-la-gi/